Công nghệ số thay đổi diện mạo của ngành truyền thông tại Việt Nam
Công nghệ đang trở thành cuộc cách vĩ đại thay đổi cuộc sống của chúng ta hàng ngày, và chiến lược truyền thông của các doanh nghiệp cũng đang dần chuyển dịch sang tư duy truyền thông 4.0 để không ngừng tăng trưởng và phát triển.
Truyền thông số đã làm thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của công chúng, quyết định sự tương tác của họ cũng như chứng kiến sự ra đời của một loạt các phương tiện truyền thông mới.
Thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin
Ngành truyền thông đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển của Internet. Cách đây vài thập kỷ, có rất ít người có tài khoản email cá nhân, điện thoại di động hoặc kết nối internet. Trình duyệt web được xây dựng bằng đồ họa mà chúng ta đang dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời để tương tác đã không tồn tại cho tới cuối năm 1993. Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành một phương tiện phổ biến. Người tiêu dùng Việt Nam có thể truy cập được bất cứ đâu chỉ cần có Internet. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn truy cập bất kể mọi thời gian kể cả khi vừa thức dậy hoặc chuẩn bị đi ngủ. Mức độ sử dụng điện thoại chiếm gần như 60% người tiêu dùng trong nước, cộng thêm sự sẵn có cũng như chi phí thấp của dịch vụ Internent đã dẫn đến một cuộc cách mạng mới đối với các phương tiện truyền thông số. Điều đó đã thay đổi rất nhiều thói quen tiếp nhận truyền thông của công chúng.
Các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ sớm từ bỏ vai trò là nguồn cơ bản cung cấp cho con người những nhận thức về thế giới. Truyền thông đại chúng đang trở nên tương đối bị cách ly bởi thế giới của chúng ta trở thành một trong những nguồn thông tin có giá trị cao và đa chiều.
Các nhà tiếp thị đang sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ truyền thông số nhằm nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng, các sản phẩm và dịch vụ này đồng thời cũng được phân phối thông qua các mạng truyền thông số kỹ thuật cao. Từ đó, nguồn dữ liệu trở nên ngày càng phong phú và khiến cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tất cả các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và dữ liệu đang ngày một đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó càng khẳng định được sự hiệu quả của những phương tiện truyền thông số đối với thị trường hiện nay.
Tham gia, thay vì tiếp nhận
Người tiêu dùng tham gia vào các chiến dịch truyền thông, thay vì chỉ đơn thuần tiếp nhận thông điệp. Đây là bước ngoặt truyền thông, mà cốt lõi là sự phát triển của web 2.0 – xu thế hướng tới nội dung cùng sáng tạo. Chính sự thay đổi trong công nghệ truyền thông đã dẫn đến xu hướng dòng chảy thông tin đa chiều. Nếu trước đây, ngành truyền thông chỉ tạo ra những dòng chảy thông tin một chiều từ tổ chức và các đại lý của họ đến các phương tiện truyền thông, và đến số đông đại chúng. Bây giờ thông tin chảy theo mọi hướng. Sự phát triển của mạng xã hội, blog, podcast… đã thúc đẩy khách hàng tạo ra thông tin. Kết quả là thế giới đang tràn ngập các nội dung truyền thông. Khách hàng vừa có xu hướng lựa chọn thông tin do khách hàng khác tạo ra, vừa tìm kiếm những nội dung được tạo ra một cách chuyên nghiệp.
Rất nhiều bài báo trên phiên bản trực tuyến của The Washington Post được tích hợp bao gồm cả danh sách các bài viết trên blog mà liên quan đến bài báo đó. Càng ngày, các bài báo trích dẫn từ các blog như nguồn cung cấp cho họ. Tập đoàn News đã mua mạng xã hội My Space vào tháng 7 năm 2005, bởi vì đó là nơi dòng thông tin đang chảy. Làn sóng mới của “báo chí công dân” bao gồm blog, cũng như sự góp phần tích cực của hình ảnh, video, từ ngữ và ý tưởng đến các phương tiện truyền thông bởi chính khán giả. Hầu hết khán giả của các hãng lớn đều đọc blog, sử dụng facebook hoặc twitter… cạnh tranh hoặc vượt qua sự xuất hiện của hãng trên các báo điện tử. Truyền thông trở thành môn thể thao nhiều người tham dự, trong đó không chỉ có nhà báo mà bất cứ ai có khả năng văn chương đều có thể đưa ra viễn cảnh họ nghĩ cho những gì họ nhìn thấy và những gì đang xảy ra. Nếu nội dung thú vị hay họ không sao chép lại văn bản của ai, họ có thể nhanh chóng thu hút một lượng độc giả đáng kể. Từ một số lượng nhỏ những người nắm toàn quyền về những gì được đưa lên mặt báo, đã phát triển thành một mạng lưới rộng khắp các bộ lọc và nguồn thông tin kết nối sâu sắc với nhau.
Số hóa và đa phương tiện
Các phương tiện truyền thông cũng ngày càng đa dạng đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, video, điện thoại thông minh, website tương tác… Tuy nhiên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ không bao giờ mất đi. Cùng một lúc, các phương tiện truyền thông được làm giàu lên bởi những phiên bản hay định dạng mới. Ngày nay, hầu hết các tờ báo in đã đều có phiên bản điện tử, các kênh truyền hình có thể phát trên internet hoặc điện thoại di động… Các nhà truyền thông sẽ phải cân nhắc cách sử dụng phương tiện truyền thông để chuyển đổi từ hình thức phát sóng sang truyền thông tiếp cận.
Mặc dù hiện nay, doanh thu từ truyền thông truyền thống đang cao hơn doanh thu từ truyền thông mới với tỉ lệ 10:1, nhưng sự tăng trưởng của doanh thu truyền thông mới ca hơn gấp gần 4 lần truyền thông truyền thống . Tất nhiên truyền thông truyền thống vẫn sẽ tồn tại và đóng vai trò quan trọng, nhưng việc chuyển đổi sang truyền thông mới không phải là một xu hướng nhất thời hay ngắn ngủi, nó là kết quả tất yếu của một quá trình biến đổi lâu dài.
Như vậy, nhìn lại xu hướng phát triển chung của toàn thế giới, với sự trợ giúp của công nghệ, các hoạt động truyền thông cũng dần chuyển dịch và thích ứng với nhu cầu tương tác và thấu hiểu khách hàng, từ đó góp phần không nhỏ thúc đẩy quá trình bán hàng của doanh nghiệp, mở ra bước phát triển mới cho lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam hiện nay
*Nguồn: Ths. Đỗ Thị Hải Đăng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)